Giã biệt Đà Giang – phần 1: Tự sự & hành quân (Nhóm Taybacgroup)

Trong tâm tưởng của nhiều người dưới xuôi, sông Đà đã xa lắm rồi. Một khúc ngăn ngắn vài chục cây số từ Hòa bình về đến ngã ba Việt trì khá là êm đềm không đủ tạo ấn tượng về một con sông lớn góp cùng sông Hồng để tạo nên đồng bằng Bắc bộ. Một đoạn dài khác , đã từng là khúc sông hùng tráng với ghềnh độc, với thác hiểm như Thác Bờ, nay đã là một đoạn hồ thủy điện Hòa bình êm đềm và lãng mạn, không còn vết tích gì của những khúc oằn mình của dòng sông.

Gần 20 năm trước đây, có dịp tới chơi và xem lại những ảnh chụp Thác bờ, tôi đã bần thần tiếc nuối không được nhìn tận mắt thấy đoạn ghềnh nổi tiếng này, nơi đã dìm không biết bao nhiêu tàu thuyền ngược xuôi sông Đà.

Thế nên, trước những tin tức về việc đóng đập thủy điện Tạ Bú, nước sẽ ngập lên tới tận Mường Lay, Lai Châu cũ trong mùa hè 2010 này, chúng tôi quyết định sẽ làm một chuyến đi – Giã biệt sông Đà.

Sông Đà, những khúc quanh

Taybacgroup cũng từng có dịp xuôi sông Đà trên từng đoạn khác nhau nhưng phần lớn là bỏ xe máy trên những con thuyền sắt dọc sông. Lần này, chúng tôi quyết định sẽ làm “Người lái đò trên sông” để cảm nhận và chiến thắng được những con sóng hung dữ của dòng sông ghềnh thác nổi tiếng này. Đội thuyền Kayak của TBG cũng đã có dịp vượt qua nhiều ghềnh thác ở cấp độ khá phức tạp và thực hiện những hành trình dài vài ba ngày dọc các con sông. Do vậy, việc thực hiện một chuyến đi “giã biệt dòng sông” thật sự khiến chúng tôi vừa hồi hộp những cũng rất bồi hồi.

Khác với “Người lái đò sông Đà” năm xưa của Nguyễn Tuân. Chúng tôi sử dụng những con thuyền kayak bơm hơi và thả từ thượng nguồn trôi về xuôi, có thể nói là đơn giản và an toàn hơn nhiều so với những con thuyền to lớn nặng nề, cồng kềnh, không phải lúc nào cũng dễ dàng điều khiển.

Cầu Hang Tôm huyền thoại bắc qua Sông Đà.

Nhìn tổng thể, từ khi sông Đà bắt đầu hành trình của nó trên đất Việt, có thể chia thành các đoạn chính sau:
Đoạn đầu: ghềnh thác hiểm trở kinh người, bắt đầu từ khi sông Đà vào Việt Nam cho tới huyện Mường Tè. Đoạn này dài chừng 40 km với những ghềnh thác nổi tiếng đã đi vào văn học như thác Kẻng Mả. Đoạn này thuyền bè vẫn còn xuôi ngược được và cũng có một vài vách đá cao dăm bẩy trăm mét khá là hùng vĩ. Năm ngoái, trên box du lịch cũng đã có nhóm vượt qua đoạn này bằng thuyền máy để tới điểm sông Đà vào đất Việt.
Đoạn thứ hai: từ Mường Tè tới Mường Lay với khoảng cách 90 km. Cảnh quan thì bình thường vì không có những vách núi sững người, nhưng với trên 21 con ghềnh thác lớn ở cấp độ 3-4 với độ chênh 1-2 mét nước sẽ là một thách thức không nhỏ với những tay chơi kayak vượt thác (whitewater kayak). Ngoài ra, tin tức về những “Giếng hút”, nơi những dòng sông ngầm hút nước đầu này và xả nước ở cách đó hàng cây số mới thật sự là mối đe dọa với dân chơi. Những con ghềnh được định danh trên đoạn này gồm có Pa Hà, Kẻnh Lò, Kẻng Mắn, Kẻng Hào, Pa Mó, Hát Po, Kẻng Mỏ.
Đoạn tiếp theo: từ Mường Lay về đến phà Pá Uôn , nơi con đường 279 cắt qua sông Đà, (một trong những con đường chạy ngang miền Bắc, có điểm đầu là ngay chỗ Bãi Cháy – Quảng Ninh , điểm cuối là cửa khẩu Tây Trang ở Điện biên). Đoạn này dài tới 100 km, ghềnh thác tuy hung dữ nhưng không đủ lớn để chặn đứng những con thuyền xuôi ngược trên sông. Tuy thế, đoạn này lại có một điểm đặc biệt là nó chạy giữa các khe núi sâu trên 1000 mét nên vô cùng hoành tráng. Chính trong “Người lái đò Sông Đà”, cụ Nguyễn Tuân đã tả đoạn này như những nơi mà nắng không rọi tới mặt sông.

Bản đồ địa hình chỉ ra những khe núi hơn ngàn mét:

Bản đồ địa hình dòng chảy của sông Đà.

Đoạn thứ tư: từ Pá Uốn về tới đầu hồ thủy điện Hòa bình dài khoảng hơn 120 km. Chỗ này sông đã rộng ra rồi, tuy còn có một vài ghềnh thác rộng nhưng không siết lắm và cảnh quan thì cũng đã xoai xoải, chỉ còn phần nhiều là những dãy đồi cao vài trăm mét chạy dọc sông. Chính giữa đoạn này là công trình thủy điên Sơn La, bậc 2 của thủy điện sông Đà, nơi mà năm nay đập sẽ được đóng, biến một phần năng lượng lớn lao của dòng sông thành điện năng, cho nào là điều hòa, nào là tủ lạnh, nào là bình nước nóng hay những nhà máy công xưởng dưới xuôi.
Từ đây, dòng sông chạy dài tới 120 km nữa như đang chuyển hóa dần thành con hồ thủy điện lớn nhất Việt Nam, tới tận đập thủy điện Hòa bình. Một tập quán sống mới cũng đã hình thành trong vài ba chục năm qua, thay thế hoàn toàn cho tập quán sông nước từ ngàn đời nay. Ở đây, những con ghềnh con thác nổi danh của sông Đà như: Thác Bờ, Hót Gió, Mường Hoa, nay im lìm và lặng lẽ dưới độ sâu tới cả trăm mét nước.
Qua hết thủy điện Hòa bình, sông Đà… tuy còn một lần nữa uốn quanh dãy núi Ba vì cao chất ngất trên 1200 m, nhưng đã là con sông của đồng bằng lắm rồi. Sông rộng mênh mang với những bãi phù sa tít tắp, chảy thêm 60 km nữa cho đến khi hòa mình hẳn vào dòng sông Hồng, trở thành con sông kiến tạo nên đồng bằng Bắc bộ.
Sự phân chia nói trên, cũng chỉ tương đối theo một góc nhìn thôi. Một phần dựa trên những cảnh quan dọc theo sông, phần khác dựa trên mức độ ghềnh thác để xây dựng hành trình chèo thuyền kayak của Taybacgroup.
Cũng vì lý do đóng đập, nên chúng tôi quyết định sẽ chinh phục đoạn mà lần này, chắc là lần cuối cùng, bởi chỉ hết mùa mưa năm nay, đoạn này sẽ ngập sâu dưới một mức nước vài chục mét. Đó là đoạn từ Mường Lay xuôi xuống Pá Uôn. Nếu nhìn dòng sông như một tổng thể, thì có thể nói đoạn này chính là đoạn đặc trưng nhất của sông Đà, nó vừa có thác có ghềnh, có những vách núi vời vợi, nhưng nó vẫn giữ được mạch chảy xuyên suốt từ đầu, với những chuyến thuyền xuôi ngược.
Đoạn đầu từ trên xuôi xuống Mường Lay, không có thuyền chạy xuyên suốt được, nên chúng tôi không coi là một đoạn liền mạch của Sông Đà, chỉ là nơi chơi các môn thuyền kayak vượt thác ở cấp độ cao, cũng sẽ là nơi Taybacgroup thử sức trước khi thủy điện bậc trên cùng được xây dựng.

Liệu năm sau những con sóng dữ này còn có dịp gầm gào ???

Những con sóng giữ cuộn cuộn của Đà Giang.
Nhẹ nhàng xuôi mái chèo.

Hành quân

Sau một đêm lắc lư trên chiếc xe Hải vân (ngày một chuyến), vòng vèo trên những triền đèo của đường 6, con đường huyết mạch Tây bắc, tới sáng cả nhóm đã tới được gần Mường Lay. Ấy vậy mà chỉ mươi cây số cuối cùng, đã xơi mất của chúng tôi tới hơn 2 tiếng đồng hồ. Bà con đang khẩn trương di dời nhà cửa, đồ đạc từ các bản nằm phía dưới, khu Mường Lay cũ lên đây. Các khu tái định cư nằm dọc con đường này đang tiếp tục được hoàn thiện, khiến cho đường sá lầy lội kinh hồn, từng đoàn xe nối đuôi nhau nhích từng bánh, nhiều xe chở đầy ắp cột kèo, mái tôn nhà cũ, đồ đạc lợn gà, có những xe lại chở đến cả một trung đội lính về bản hỗ trợ dân di dời khiến quang cảnh như một ngày hội. Những ngày này, toàn tuyến di dời dọc Sông Đà đang vào tiết khẩn trương để kịp đóng đập mưa mưa năm nay, nên trên này rộn ràng lắm

Sau một đêm lắc lư trên xe, 9giờ, xe đã gần tới thị xã Mường Lay, nhưng những con đường lầy lội dang dỡ đã khiến chúng tôi mất tới hơn 2 giờ cho một chặng đường chỉ dăm cây.

Xe khách Hải Vân Mường Lay - Mỹ Đình.

Thuê một xe 1,25 tấn chở đầy ắp thuyền bè đồ đạc

Xe chở đồ đạc của anh em TBG.

Gặp một đội Tây già ở Khách sạn Lan Anh – Mường Lay. Đội này cũng hơi hơi vênh vang một tí khi vòng quanh Tây Bắc bằng xe Minsk, nhưng khi thấy chúng tôi chuẩn bị đi thuyền Kayak dọc sông thì cũng khựng lại… hết vênh.

Mink cao đi phượt là vểnh râu lắm bà con ạ.

Cả thị xã Mường Lay tan hoang như sau một trận chiến. Chỉ vài ngày nữa, không còn ai ở đây cả. Người ta đang đẽo gọt để mang đi những viên gạch cuối cùng

Có nhiều nơi bộ đội giúp dân chuyển nhà

Giã biệt thị xã Mường Lay, chúng tôi xuống bến Đồi Cao

Bến Đồi Cao năm nào là một nương ngô xanh mướt, bãi cỏ mượt mà, giờ nham nhở. Thủ phạm là những con thuyền vàng

Còn tiếp phần 2: Người lái đò trên sông.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *