Giã biệt Đà Giang – phần 2: Người lái đò trên sông (Nhóm Taybacgroup)

Lịch kịch di chuyển đống đồ đạc thuyền bè chất ngất, đầy ắp một xe tải 1.25 tấn xuống đến bến Đồi Cao, bơm căng đầy đủ các chiếc thuyền, cũng đã tới hơn 2 giờ. Theo hành trình, chúng tôi chỉ xuôi xuống chừng 15 km và dừng nghỉ ở bản Huổi Mức, ngay sát dòng Nậm Mức.

Tuy thế, ngay khi bơm căng xong con thuyền cuối cùng, xếp sắp đồ đạc gọn gàng chuẩn bị khởi hành. Phía Tây và phía Bắc, từng đám mây đen kịt bỗng ở đâu dồn về, tiếng sấm ì ầm xa xa đầy đe dọa, một vài con chớp rạch nhẹ trên đường chân trời càng làm nặng thêm mối lo. Trên nhà nổi dưới mé sông, hai mẹ con chủ nhà chạy vội ra, lạc cả giọng trong tiếng gió bắt đầu giật: “không xuôi được đâu các chú ơi! Gió giật nguy hiểm lắm! dưới kia ghềnh thác nhiều thuyền lật như chơi”…. Thời tiết năm nay lạ lắm các chú ạ, đầu mùa đã mấy cơn bão lớn, gió giật, mưa to. Mọi khi giờ này sông còn hiền, gió còn lặng. Gió mạnh cuốn phăng cả con thuyền sắt trước nhà lên bãi đó. Còn thuyền của các chú, cứ như gió hôm kia thì chả biết cuốn tận đâu! Cơn gió giật đầu mùa và lời cảnh báo của bà chủ khiến chúng tôi phải lưu lại một đêm trên căn nhà nổi. Nhưng cũng vì thế, chúng tôi lại có dịp chuyện trò với “Người lái đò trên sông”.

Chuẩn bị setup thuyền bè. Mang theo 5 thuyền Kayak, một chiếc canô máy, bơm căng đống thuyền xong cũng mất cả giờ đồng hồ.

Đội thuyền đây.

Trời bỗng sầm xuống, gió thổi cát bay mù mịt, cơn giông bất chợt kéo tới ầm ầm.

Bà chủ nhà nổi chạy ra thất thanh: Không xuôi được đâu các chú ơi i i i i ! Gió mạnh lắm Thác lớn lật thuyền đới ới ới …!

Khác với nhân vật xưa của cụ Nguyễn Tuân. Bác lái đò già quê gốc tận dưới Trung Hà, cứ men lần ngược sông mà lên, đến được vùng ngã ba sông Đà, Nậm Tè này rồi dừng lại, định cư vài mươi năm nay. Mặc cho dòng sông cuồn cuộn chảy, cuốn theo những gốc cây gộc gạc quăng bên này, quật bên kia vách đá ngay trước cửa nhà, mặc cho gió rít qua những khe núi, mặc cho mưa táp như bay mái nhà, bác lái đò vẫn trầm tĩnh ôn lại chuyện dòng sông, chuyện buồn, chuyện vui dễ đến 30 năm có lẻ.

Cỡ những năm 20 tuổi, lão đã từng đi gỗ xuôi sông Đà. Thuở đó, đi gỗ là thứ nghề mình đồng da sắt, gan lì cóc tía. Đêm hôm khuya khoắt, sáng sớm tinh mơ, trời lạnh như cắt là lúc dân đi gỗ bắt đầu hoạt động. Bè gỗ đóng cả dàn, nhưng trôi qua các điểm gác của kiểm lâm là phải lấy đá dìm cho trôi là là dưới mặt nước mới mong thóat qua. Dân đi gỗ mình trầm dưới nước theo bè gỗ của mình, lạnh thấu xương mà vẫn chớ kể. Rồi bè gỗ trôi qua những thác những ghềnh mà nghe thấy tên đã lạnh sống lưng, nhưng vẫn phải bám theo, vì chỉ xuôi qua ghềnh mà không có chủ là khắc có người vớt gỗ trôi lấy hết gỗ của mình. Có những con ghềnh có vài cửa vào, nhưng chỉ có một cửa sinh, còn lại là cửa tử. Vào cửa sinh, phải may và khéo thì mới thóat ra bên kia nguyên vẹn cả người lẫn của. Bằng không, sang bên kia bè gỗ vỡ tan tác, thuyền cũng đắm như chơi. Còn trong dòng nước cuồn cuộn kia, chỉ lỡ nhịp chèo, sai nhịp chống, thuyền lao vào cửa tử, cầm chắc là tan xác thuyền. Bởi trong đó, là những vũng xoáy dữ dội, là những hom đá nhọn hoắt, thuyền vào chỉ còn như một trò chơi trẻ con của thiên nhiên.

Cơn mưa bất chợt kết thúc khi trời đã ngả chiều muộn. Không kịp để trôi 15 cây số tới điểm nghỉ dự kiến tiếp theo là bản Nậm Mạ, chúng tôi quyết định ngủ đêm đầu tiên trên nhà nổi giữa sông.

Đối diện bên kia sông là mỏm đá, nơi vua Thái Đèo Văn Long đặt dinh thự xưa.

Ngay trước mắt là nơi 3 dòng nước gặp nhau: Nậm Tè ( Sông Đà ), Nậm Na, Nậm Lay. ba dòng nước cuộn lại thành những xoáy nước tít mù.

Bữa ăn đầu tiên với mắm tép và canh trứng

Và chuyện phiếm chờ trăng lên. Trăng Sông Đà lên muộn, sáng rỡ

Nghề đi gỗ đã đúc nên một lão quái sông Đà, thuộc từng ghềnh, hiểu từng con sóng. Mà cái ghềnh sông cứ mỗi mùa nó lại khác vì mức nước khác nhau, ghềnh cũng dữ dằn khác hẳn.

Sau đận đi gỗ, lão cũng đã từng làm đủ nghề trên sông, từ những nghề hiền hiền như chạy đò xuôi chở khách kiếm bạc lẻ, đến những nghề dữ dằn như đãi vàng dọc theo dòng sông. Nhà lão cũng như là một công xưởng nhỏ nhưng làm đủ mọi thứ cơ khí, từ việc vặt cho đến đóng cả một con tàu sắt. Nhưng rồi nghề nào thì cũng nhọc nhằn vất vả và khắc nghiệt như nhau, chỉ có tình yêu với con sóng bạc, con ghềnh hiểm là vẫn giữ lão và bầu đoàn thê tử cứ mỗi năm lại dài thêm một khúc, ở lại với khúc sông dữ dằn này.

“Cái thuyền sắt này của tớ đóng hết ngót ba chục, thêm cái máy công nông dăm triệu vào là tớ chạy phe phé, tuyền chở khách du lịch đấy” – lão khoe- “mà cái hay là thuyền sắt trên sông nó không ăn tiền như xe ô tô – làm mỗi lần thôi rồi cứ thế là chạy, năm sau thuyền nó vẫn thế, máy vẫn ngọt chứ không như cái anh ô tô, chạy trên đường ăn lốp, hỏng máy, xuống gầm nhanh lắm”.

Lão cũng chả lắm xúc động như những gia đình tái định cư trên đất, di dân, dời nhà là dời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, là một cuộc sống hoàn toàn khác. Nước lên, nhà của lão nổi lên theo, ghềnh thác chìm đi lão lại càng dễ thuyền bè. Thế nên, dẫu có đất được cấp trên đồi kia, lão vẫn để trống hoác mà bám lấy cái nhà nổi, có cái sân cũng nổi thênh thang làm từ cái tàu xúc vàng… Mai đây, sông Đà chẳng còn ghềnh thác nữa, sẽ là một con hồ mênh mông, chắc gọi là hồ Đà, vậy liệu còn “Người lái đò sông Đà” mang trong mình những tính cách mạnh mẽ của ghềnh thác Đà giang nữa không? Xin giã biệt người: “lão lái đò sông Đà”…

Trăng trên sông Đà mùa nước sớm lặng lẽ. Những mảnh trăng tung tóe khi mỗi con sóng lớn đập ào vào vách núi đối diện. Chênh chếch, trên những lưng chừng trời, sao lập lòe lẫn với ánh đèn cũng lập lòe. Dưới khe nhìn lên, không biết đâu là trời, đâu là núi, đâu là sao, đâu là đèn… Đêm trăng sông Đà nhẹ nhàng trôi qua, chỉ còn ngoài kia, vẫn bập bềnh những con thuyền kayak, chờ đến sáng để lao mình thử sức ghềnh thác. ————-Trên nhà nổi giữa sông

Công xưởng nổi của ” lão lái đò ” bây giờ:

Và con thuyền ngược xuôi do lão tự đóng, chở đủ mọi thứ từ khách du lịch đến lợn gà ngan nghé đi chợ.

Còn tiếp phần 3: Hiểm trở chèo thuyền Kayak xuôi Đà Giang.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *