Giã biệt Đà Giang – phần 3: Hiểm trở chèo thuyền Kayak xuôi Đà Giang (Nhóm Taybacgroup)

Đội thuyền kayak

Tang tảng sáng. Những cơn mưa đầu mùa đến sớm đã làm cho dòng sông không còn vẻ hiền hòa lãnh đạm của con nước mùa đông, con nước trong và sẫm màu làm nên cái tên cho dòng sông – Sông Đà (nghĩa là dòng sông đen). Giờ đây, màu xanh sẫm huyền bí ấy đã đượm màu phù sa, màu của mùa mưa. Và cũng giờ đây, dòng nước cuộn chảy kia đã có ngầm ý đe dọa. Đội thuyền của TBG chinh phục cơn sóng dữ Đà giang lần này có 5 thuyền kayak, và cũng như những hành trình dài ngày dọc sông, thêm một cano chở đồ và kéo thuyền khi cần thiết. 5 tay chèo đều là những gã gạo cội, từ bác Vndrake, người đã đem lại cảm hứng thuyền bè cho TBG, cho đến chú Bình từ Sài Gòn, tay chuyên chơi các dòng sông dữ cấp 3-4 như ở Madagui. Lại có cả Tú, một cô giáo trường luật bám theo, cô này cao hơn mét 7, lòng thòng như cái sào. Đặc biệt, 2 tay chèo nhỏ tuổi trong đội F2 TBG cũng tham gia chuyến đi này, Balo và Đức cùng 11 tuổi. Dù rằng trẻ con lắm, đang chèo thuyền lại thích lên bãi nghịch cát, rồi đang mưa ầm ầm đòi đi chèo thuyền… nhưng dẫu sao, cũng là những trải nghiệm thú vị đầu đời mà không dễ em bé nào cũng có được.

Trong chuyến đi này, dù rằng dự trù cấp độ sông cũng không quá dữ, chắc đến cấp 2++ đến 3, so với cấp 3++ đến 4 ở sông Madagui, nhưng lại có những bất trắc khác chưa lường hết, nên đồ bảo vệ của đội thuyền cũng khá cẩn thận. Áo phao là đương nhiên, mũ bảo hiểm phòng khi rơi xuống nước, dòng nước cuộn vào đá có thể gây nguy hiểm. Ngòai ra, đồ đạc cũng phải gói ghém kỹ càng với các túi chống nước 60-80 lít, phòng khi mưa gió, lật thuyền, vẫn chống nước tốt.

Setup thuyền bè, Đội hình TBG kayaking với 2 chú bé.

Cha và con trên một dòng sông

“Anh hùng xa lộ” lần đầu nếm trải cảm giác sông nước. Như hầu hết mọi người, thuyền cứ quay tít thò lò

Cha và con (2), 2 tay chèo Kayak nhỏ nhất hội!

Ca nô gắn máy 15 Mã lực, dùng chở đồ đạc, lều trại, kéo kayak khi cần

Ngay khúc quanh đầu tiên vòng quanh mỏm đồi, nơi có nhà của Đèo Văn Long – vua Thái xưa, sóng dữ đã cuồn cuộn. Nơi đây 3 dòng nước gặp nhau: từ phía Tây chảy về là dòng Nậm Tè (Sông Đà), từ Bắc trôi xuống là dòng Nậm Na, từ Nam ngược lên là dòng Nậm Lay. Ba dòng nước mùa mưa cuộn với nhau tại một điểm, tạo nên những dòng xoáy tít mù rồi xuôi thành con sông Đà. Thuyền trôi vào những cơn xoáy lớn kiểu này có thể cứ xoay tròn bên trong mà không thóat ra được. Chưa kể, khi những xoáy này dồn nước xuống đáy sâu, gặp phải một cái mô đá bất thình lình, nước dồi ngược lại tạo thành một bóng nước dâng cao có khi tới cả mét. Gặp lúc đó, không vững tay chèo là lật thuyền như chơi. Ngồi trên thuyền kayak, gần như sát mặt nước, nhìn những con xoáy lừ lừ ngay bên cạnh mình, thi thỏang nước dội nghe bủm một cái, kể cũng khá là rợn mình.

Còn may chán là những dòng xoáy này nó không ở yên một chỗ mà di chuyển liên tục nên chỉ cần lựa lựa lúc nó chuyển hướng, bạn phải chèo cật lực theo hướng thóat của nó mới ra khỏi cái bẫy nước này.
Sóng nước kinh hoàng ngay chỗ xóay của ba con nước

Bóng nước nhồi , lừ lừ như cái nia, có thể nâng thuyền cao cả mét,

Qua được đoạn sóng nước, thuyền nào cũng ngập nửa thuyền nước, phải dừng lại đổ ra.

Vừa thóat khỏi vùng xóay của ba con nước gặp nhau, sóng dữ đã bị ngay mấy rìa đá trước mặt chặn lại. Con sóng xoay tít thoắt cái giật ngay thành con sóng ngang dội thẳng vào triền đá rồi bật ngược lại. Gặp con sóng lắc ngang này thì chỉ có nước xoay thuyền thật nhanh, lao thẳng mũi vào con sóng mới thóat khỏi cơ lật thuyền. Con sóng ngang cao tới cả mét, chồm thẳng vào mạn thuyền, đến thuyền sắt to cũng còn nguy.

“Bám chặt thuyền, bỏ máy, không cần lái” bác Lê Anh gào lên. Hùng SG đang lái cano, chợt thót tim khi con sóng dội cao tới hơn mét, nhấc bổng cái cano bơm hơi lên rồi hạ xuống mặt sông đánh cái rầm. Hú vía, suýt lật, Cano mà lật thì cũng rách việc, vì nó to, nặng, thêm cái máy và bình xăng khoảng hơn 80 kg, nên nếu lật chịu không thể lật lại trên sông – chỉ có mặc cho nó trôi vào bờ cát thì bơi theo rồi vớt lại thôi, khác với kayak, chuyện lật là bình thường, chỉ cần chờ trôi qua bờ sóng dữ là tự mình lật lại thuyền được.

Trên cao vòi vọi, cầu Hang Tôm mới đang được xây dựng. Những nhịp dang dở còn đang cố vươn tới gần nhau, trên ở độ cao 70 mét. Cây cầu này sẽ được ghi nhận là một trong hai cây cầu cao nhất Việt nam. Cây cầu thứ hai, sẽ đón chúng tôi ở điểm kết thúc hành trình này, cầu Pá uôn.

Dưới hạ lưu chừng 1 km, cầu Hang tôm cũ ìm lìm, cổ kính. Đầu cầu, vẫn hai cây cổ thụ to lớn mọc ngang lưng núi, như một nét chấm phá trên những đường cong chắc khỏe. Đã có nhiều lần đi qua cây cầu này, cả trên cầu lẫn dưới cầu, nhưng chưa lần nào có cảm giác bồi hồi như lần này. Nhớ lần đầu qua đây, từ năm 1996, sau một hành trình dằng dẵng vòng quanh Tây bắc. Chúng tôi đã sững người trước một cây cầu duyên dáng soi bóng bên dòng nước xanh ngắt, là một nét quyến rũ của Tây Bắc. Rồi đến lần xuôi thuyền dưới sông, nhìn từ mặt nước lên, cây cầu hùng vĩ vạch một nét ngang trên nền trời xanh biếc, nối hai khe núi sâu thẳm ngót ngàn mét bên bờ sông Đà ở độ cao tới gần 40 mét.

Hang Tôm xây từ đầu những năm 70, có cái tên thật lạ. Nhiều công trình trên toàn quốc đã đặt tên có nguồn gốc địa phương, nhưng ít thấy công trình nào lại đặt tên bằng một cái lý lẽ rất đơn giản như ở đây: “có nhiều hang tôm”. Hang Tôm bằng tuổi khá nhiều thành viên của TBG nhưng giờ đây, cây cầu trầm mặc bên bóng dòng sông, ung dung tự tại trong năm cuối cùng của cuộc đời mình! Giã biệt Hang Tôm, chỉ mong là cây cầu không bị phá dỡ, để dẫu có trầm mình dưới mặt hồ mênh mông, chúng ta vẫn còn cơ hội để thăm lại nó, với một phương tiện hoàn toàn khác, đó là những bình khí lặn!

Hai bác này cứ ca nô chạy phe phé. 

Ngay vòng sau bãi đá là cầu Hang Tôm mới, đang giữ kỷ lục là cầu cao thứ 2 ở VN (độ cao 70 m)

Những con sóng dưới chân cầu cũng dữ dằn không kém. Sóng cao tới cả mét, đã nhấc bổng cả ca nô lên.

Chỉ cách cầu mới khoảng 1 km về phía hạ lưu là cầu Hang Tôm cũ.

Cây cầu duyên dáng soi bóng bên dòng sông Đà xanh thẫm đã 40 năm nay. Cây cầu có tuổi ngang với tuổi của rất nhiều TBER

Cây cầu đang trầm mặc những giây phút cuối cùng của mình. Đây là lần đầu tiên nhưng cũng sẽ là lần cuối cùng thuyền kayak chèo dưới chân cầu.

Đã nhiều lần qua Hang Tôm, nhưng đây là lần cuối cùng còn được nhìn thấy nó. Sang năm, cầu sẽ ngập sâu dưới nước?

Giã biệt Hang Tôm! Giã biệt cây cầu từng là điểm nhấn xinh đẹp trên cung Tây bắc.

Từ Hang Tôm xuôi xuống là những vách núi dựng đứng. Dòng sông Đà tới đây xẻ đôi cao nguyên trên ngàn mét. Hữu ngạn là cao nguyên Sìn Hồ với độ cao trên 1500 mét, tả ngạn là vùng Tủa chùa, cũng cao tới 1200 mét. Thế nên dòng sông kẻ thành một khe sâu hoắm giữa vùng cao nguyên chất ngất núi này. Đã từng nghiên cứu kỹ nhiều dòng sông để vạch tuyến chèo Kayak, có thể nói, đây chính là một khúc sông kỳ vĩ nhất Việt Nam với những vách núi hùng vĩ và hoang sơ. Có những đoạn, những con sóng dữ từ ngàn năm qua đã bào mòn vách núi sâu hoắm thành một vách ngược, treo lơ lửng ở trên là những nhũ đá, những gốc cây mọc ngược xuống dưới, trông vô cùng quái dị. Sánh với nó, có lẽ chỉ có khúc sông Nho Quế ở Mã Pì Lèng bên Hà giang, nhưng khúc đó chỉ dài có vài cây số chứ không tới hàng chục cây như đoạn này. Cũng còn một con sông khác, nhưng đó là chuyện của chuyến đi sau!

Trên cao, vách tiếp vách. Dưới sông, ghềnh tiếp ghềnh. Tuy không quá dữ nhưng vượt những con ghềnh trong khe núi sâu thẳm cũng khá nhiều cảm xúc. Chen giữa những ghềnh đá thường là những bãi cát nhỏ hoặc những bãi đá cuội tròn xoe. Bao nhiêu năm nay, nước đã quăng quật những hòn đá này, rồi mài nó thành những hòn đá tròn xoe nhẵn thín. Trên những bãi cát dọc bờ sông, uể oải vẫn dăm chú bò nằm phơi nắng, không hề biết rằng, cái bãi cát mịn màng kia chẳng mấy chốc sẽ nằm sâu nơi đáy nước.
Mới qua Hang Tôm hơi sóng tí, đã vội tấp vào bãi đá nghỉ ngơi,

Hai bên bờ có những bãi đá cuội tròn xoe:

Hoặc những vỉa đá từng lát mỏng như gạch lát nhà, bà con xưa cũng từng lấy những lát đá này về lợp nhà.

Có những vách đá như có vân

Có vách đá cao vút tới hơn ngàn mét

Ngay sau bãi sông mượt mà nhỏ nhắn, nơi dòng Nậm Mức nhập vào sông Đà, là một con ghềnh có tên là “Nghé Con”. Con ghềnh này được coi là dữ dằn nhất trong đoạn sông này. Từ xa, nghe tiếng nước réo vo vo, nhìn những lọn sóng nhấp nhô trắng xóa đã biết ngay là một con ghềnh hiểm. Thuyền bè tới đây đều phải hết sức cẩn thận. Dòng nước xóay thẳng vào vách đá, chồm qua những ghềnh đá ngầm rồi dội trở lại tạo nên những lạch nước sóng trùm lên hết thuyền. Thuyền kayak bơm hơi khá ổn định ngang, thuyền như một chiếc lá tre, khi sóng dềnh lên thì nó trượt trên bề mặt sóng, nên khá là khó bị lật. Đôi lúc chèo trên biển, sóng vào ướt hết thuyền, chúng tôi có muốn lật thuyền để nước ra cũng khá là vất. Ấy vậy mà ở khúc ghềnh hiểm hóc này, những lừng sóng ngang bất ngờ dội thẳng vào thân thuyền, lật úp nó dễ như trở bàn tay. Nhưng chính sự hiểm hóc của những con sóng, nơi tạo ra sự lo ngại của “người lái đò Sông Đà”, nơi cũng từng có con thuyền sắt to không kịp trở tay trước con sóng dữ đã phải thúc thủ mà lật ngược, lại là nơi tạo cảm hứng cho những tay chơi thuyền vượt thác.

Cái tên “Nghé Con” cũng được đặt để so sánh con ghềnh như chú nghé mới lớn, luôn *****g lên ghếch sừng đòi đọ sức. Cũng phải nói thật là dù những ghềnh thác này được gọi là kinh hồn, song so với dân chơi thuyền vượt thác thì vẫn còn đơn giản lắm. Nó chỉ ở mức 2+ vì ghềnh thác khá đơn giản, sóng lớn nhưng không có mức chênh 1-2 mét mà chúng tôi đã thử sức ở Madagui, hay ở Ngòi Thia bên Nghĩa Lộ nên phải gọi chuyến này thuộc dòng touring kayak (du ngoạn) hơn là dòng whitewater kayak (vượt thác)

Thác Nghé con thử thách các tay chèo

Sóng trùm thuyền

Ngay dưới những con sóng tung bọt này là những ghềnh đá nhọn hoắt. Ghềnh đá lớn đã tạo nên những con sóng và những dòng nước xóay

Khiến thuyền có thể lật tủm

Kéo thuyền ngược sông, vượt qua vượt lại Nghé con vài lần, lật thuyền cũng dăm bận, cả đội Kayak dừng thuyền, ghé vào bờ cát, ngả bếp làm một bữa ăn trưa trên đường.

Rốn một lần nữa, vượt lại qua Nghé con, lại ngẫm đến mai đây, Nghé con rồi cũng trẫm mình dưới đáy sâu.

Giã biệt những con ghềnh, những bãi cát mịn màng, những bãi cuội tròn xoe! Trên hành trình dự kiến của chúng tôi, khoảng 15-20 km lại có một bản làng có thể dừng nghỉ đêm. Nhưng đồ đạc mang theo vẫn phải đầy đủ bao gồm cả lều trại, túi ngủ, bếp núc, nồi niêu xoong chảo và đồ ăn cho mấy ngày. Lý do cũng đơn giản, vì hiện tại, rất nhiều bản làng đang di cư tới điểm tái định cư, nên qua những nơi đó, ngổn ngang cảnh dỡ nhà, không dễ dàng kiếm chỗ trú. Mặt khác, nơi hạ trại thường phải là những nơi gần sát sông để tiện bề bảo quản thuyền bè, nên nếu gặp những bản cao cao, dù chỉ đi bộ 15 phút, cũng khó có thể lên ở nhờ.

Những vách đá bên đường, vượt qua một cái hang

Đội cano gồm 5 người, chở lều trại, đồ ăn thức uống, quần áo

Nhiều lúc kéo kayak lười biếng

Sắp qua một cái ghềnh

Còn tiếp phần 4: Tàu vàng – Thủy quái vùng Sơn Cước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *