Giã biệt Đà Giang – phần 4: Tàu vàng – Thủy quái vùng Sơn Cước (Nhóm Taybacgroup)

Tàu vàng

Rất may mắn là chúng tôi đã không phải sử dụng lều trại. Đêm trước, ngủ nhờ ở nhà nổi của lão lái đò trên sông, đêm hôm nay, chúng tôi lại ghé vào ngủ nhờ ở một tàu đào vàng, đang cắm neo ở ngay gần Nậm Mạ. Từ năm trước, xuôi sông trên hành trình Tây bắc, chúng tôi đã gặp vô số các tàu đào vàng miệt mài dọc dòng sông. Một chiếc tàu to như một tòa nhà, hì hục ngoạm xuống dòng sông những gàu lớn, xúc lên hàng chục tấn đất đá cát sỏi mỗi giờ. Tàu vàng trông lừng lững trên sông, như một con quái vật phì phò những nhịp thở, hệt như một đoạn trong phim Water World. Mỗi tàu lớn đóng hết hơn tỉ, đang cố gắng ngoạm những nhát cuối cùng vào dòng sông. Những nhát ngoạm từ hàng chục chiếc tàu tên sông đã làm thay đổi hẳn dòng chảy của sông, tạo ra những ghềnh thác mới, xóa hoàn toàn những ghềnh thác cũ mà bạn có thể đọc thấy tên trong tác phẩm của Nguyễn Tuân. Ngay thác Nghé con kể trên cũng là một con thác hoàn toàn mới và tạo ra bởi mấy chiếc tàu vàng gần đó. Trước khi nhà nước đóng đập làm thay đổi dòng sông, thì dân làm vàng cũng đã kịp thay đổi toàn bộ dòng chảy trên con sông này! Mỗi tàu đào vàng, trúng mạch có thể kiếm vài cây vàng trong một ngày. Càng ngày, vàng càng ít dần đi nhưng bù lại, giá vàng lên nên cũng đủ trang trải chi phí, tay chủ tàu vàng cho biết. Tuy thế cái giá phải trả có thể là không nhỏ. Sự hủy hoại dòng sông là một nhẽ, dẫu cũng chả quan trọng lắm vì dù sao, năm sau thì tất tần tật đã là đáy sông rồi. Cái gay hơn cả là với “ công nghệ “ làm vàng thô sơ của tàu vàng này, đất đá được gầu múc lên, sàng sẩy thành những đống cát nhỏ. Từ đó, vàng được cô lại bằng thủy ngân, dùng đèn khò đúc vàng thành khối, đem về dưới xuôi. Vàng đi, nhưng thủy ngân thì vẫn ở lại, rồi lại đổ hết ra sông ra suối thôi! Thế nên, nguy là ở chỗ ấy! Những mạch vàng thường nằm ở khúc quanh của dòng sông. Cứ mỗi năm, mưa, lũ, cuốn trôi lớp đất đá trên các triền đồi triền núi, xoáy lại ở góc sông, dồn những mảy vàng cốm vào những chỗ này, do vậy, dễ thấy các tàu vàng nằm ở đây

Thủy quái của dòng sông là đây: 

Thường nằm ở những khúc quanh

Trông như trong phim ” thế giới nước “

Những nhát ngoạm khổng lồ làm thay đổi dòng chảy sông Đà

Con tàu mà Taybacgroup trọ nhờ đêm nay cũng khá to. Tàu ghép lại từ hai phao nổi bằng sắt dài chừng 20 mét. Khe giữa chính là nơi dàn gầu xúc rộng 1 mét cuộn vòng quanh. Hai bên, phía trên là những sàn nhà cho “ phu vàng “ ngủ đêm, trên mỗi sàn này cũng phải ở được tới mươi người, có đủ tivi, dàn karaoke. Điện chạy từ máy phát công nông ở dưới. Chủ tàu nay đã giải nghệ, vì cũng chả mấy chốc nữa cũng không còn đào bới được gì, mà cũng tận thu vàng vài năm nay rồi, nay, neo tàu một chỗ, kiếm cách thanh lý.

Đêm về, có những khúc sông vẫn rộn vang tiếng gầu xúc, lập lòe ánh điện như ma trơi, đầy quái dị của các tàu vàng.

Dân làm vàng trên sông cũng hiền lành hơn dân làm vàng trong các bãi vàng mà chúng tôi có dịp gặp. Phần vì trên sông đi lại dễ dàng, cũng dễ dàng quản lý, kiểm soát hơn so với những bãi vàng xa tít tắp hang cùng ngõ hẻm. Hơn nữa, vì đầu tư vào tàu vàng cũng lớn tiền nên đa phần đều phải có phép tắc đầy đủ. Phần lớn, họ là những lao động phổ thông bình thường mà ta gặp khắp nơi. Còn chủ tàu, cũng không có vẻ anh chị chợ búa gì cả, giông giống như những chủ tàu khai thác cát trên sông dưới xuôi. Đương nhiên, phần chìm của chuyện làm ăn, mấy ai biết!

Trên con tàu quái dị như một dị vật thời trung cổ, chúng tôi chìm vào giấc ngủ say cho đến tang tảng sáng, chợt thức giấc bởi tiếng mưa gõ quành quạch trên mái tôn. Cơn mưa đầu mùa lại về, quần một trận đã đời trên sông. Tiếng gió ràn rạt, cả đội như co tít thêm trong túi ngủ ấm áp, mặc ngoài kia trời đất vần vũ, mặc mấy chú kayak bồng bềnh chao đảo trong gió mưa, nước ngập hết lòng thuyền.

Nhiều lần, chúng tôi ngược xuôi sông Đà, đã hằn in những hình ảnh của con quái vật tàu vàng, nhưng những quái vật này cũng đang thoi thóp những cơn giãy chết cuối cùng trước dòng nước nuốt mất nó.

Cũng xin giã biệt ngươi, con quái vật của dòng sông!

Bên trong tàu vàng, nơi chúng tôi tá túc đêm nay, khe ở giữa là cho hệ thống gầu chạy, rơi gì xuống đó là xuống thẳng sông

Hệ thống gàu múc có thể múc những tảng đá hàng tấn, làm thay đổi dòng sông

Trang bị thô sơ, máy phát điện công nông, tời chạy máy nổ

Nhưng may chán so với việc ngủ ngoài trời đêm mưa:

Và tha hồ chén các loại đặc sản Sông Đà với giá chỉ bằng 1/3 so với dưới xuôi.

Cơn mưa kéo dài từ nửa đêm đến tận 9 giờ sáng mới ngơn ngớt. Dòng Nậm mạ đêm qua róc rách hiền hòa, sáng nay cuồn cuộn những củi rều, rác rến. Chỉ một cơn mưa, dòng sông Đà cũng thay đổi hẳn, mặt nước lặng lẽ hiền hòa đem qua nay gầm gừ đầy đe dọa. Thật may là dù đã phòng tình huống ngủ đêm ngòai trời và mang lều đầy đủ, nhưng cái cảnh mưa rầm rập thế kia mà bó gối trong mấy túp lều bé tí thì chả thú vị tẹo nào.

Chuyến này chúng tôi đi cũng có phần may mắn. Hôm trước, lúc hạ thủy, chỉ đi sớm hơn hoặc chậm hơn một chút, thế nào cũng dính mưa trên đường. Mưa miền núi, lại trên sông nữa, to khủng khiếp. Lại còn gió nữa chứ. Gió hút qua những khe sâu, ù ù như cối xay lúa, thổi băng mọi thứ chắn đường. Đêm qua, sợ ghé ngủ tàu vàng phức tạp, suýt thì kiếm bãi cắm trại! Mà mưa gió chả biết thế nào mà lường. Vừa đang nắng đẹp, vắt quanh một cung núi, đã thấy như có cơn mưa sầm xuống đằng xa.

Cũng nhờ cơn mưa mà trên hành trình xuôi xuống, có những con thác đẹp mê hồn. Những con thác nhỏ, chỉ cao vài mét, nước phun thì thầm thành một bức trướng mờ mờ, không che nổi nhưng hòn non bộ rêu phong xanh mướt đằng sau. Rồi những con thác lớn cao tới cả trăm mét, nước rơi vào bạc trắng. Chèo thuyền vào thẳng chân thác, giang tay đón những giọt nước rơi từ trên cao. Cao quá, nước không còn là giọt nữa, xuống gần đến mặt sông, nó đã vỡ vụn ra thành những hạt bụi nước li ti, bay phất phơ trong gió!

Nước lên tới trăm mét, con thác cao vút kia rồi cũng chỉ còn đọng lại như con suối nhỏ chảy xuống. Còn những con thác nhỏ điệu đà cũng sẽ biến mất không còn một dấu tích gì. Xin giã biệt !

Những con thác mượt mà.

Và hoành tráng

Phất phơ như dải lụa

Còn tiếp phần 5: Dân cư & di cư trên dòng Đà Giang.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *