Giã biệt Đà Giang – phần cuối: Dân cư & di cư trên dòng Đà Giang (Nhóm Taybacgroup)

Dân cư và di cư

Trên hành trình kayak dọc sông Đà, chúng tôi đã gặp nhiều gương mặt khác nhau, nhất là trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt là chuẩn bị cho một cuộc sống mới. Từ những hối hả của các chiến sỹ quân đội, công an đang chung sức giúp dân dọn nhà đến những ngập ngừng, tiếc nuối của những người dân ở thị xã Mương Lay cũ. Năm 90, một trận lũ ống lịch sử đã gây bao thương đau cho thị xã này, cuộc sống xáo trộn. Rồi trong 20 năm, thị xã cũng chẳng được ổn định và phát triển, lúc nào trông cũng như một nơi bị lãng quên vì lý do quy hoạch thành lòng hồ. Giờ đây, vùng đất này sang một trang sách mới, mong rằng vài năm nữa, quay lại đây, sẽ là một sức sống mới. Từ nét mặt điềm tĩnh của “ người lái đò”, chờ “nước lên, thuyền lên”, đến những gồng mình hết tốc lực nhưng rệu rã của những tay thợ tàu vàng, “nước lên, chìm hết”, khác hẳn với bộ đồng phục bảo hộ sáng trong nắng trời của các công nhân cầu đang xây dựng cầu Hang Tôm, cầu Pá Uôn, “nước lên, phải xong” Xuôi dọc dòng sông, những con thuyền máy cũng tấp nập hơn ngày thường. Dù xuôi dù ngược, thuyền nào cũng đầy ắp đồ đạc chuyển nhà. Cả một đại gia đình là những tâm trạng khác nhau, sự thẫn thờ của những cụ già, nét cương nghị của người đàn ông trụ cột không che hết được những lắng lo, sự tất bật của người phụ nữ phải lo từng cái kim sợi chỉ, nhưng trên tất cả vẫn là những náo nức của bọn trẻ khi được “ du lịch “ tới miền đất mới! Chỉ có đàn trâu là vẫn điềm tĩnh, miệng bỏm bẻm, chân doãng ra đứng trên thuyền, cố cưỡng lại con sóng tròng trành.

Những khu tái định cư mới, liệu năm nay có ổn định cuộc sống?

Thị xã Mường Lay cũ, mang đi tất tật, chả hiểu sao còn sót lại vài thứ?

Nhà lão lái đò ở bến sông, nước nổi nhà nổi, chả phải đi đâu

Cầu Hang Tôm mới, nước lên phải xong

Cầu Hang tôm cũ, nước lên thì dỡ, thế còn sự tiếc nuối của bao khách lãng du trên cung đường Tây bắc ?

Chuyển cả đàn trâu

Bãi cát ven sông, nhà mới liệu có cho mày dũi ?

Liệu còn cho con chơi?

Thẫn thờ trước lần cuối cùng?

Nho nhỏ như cái vách đá này cũng không bao giờ gặp lại

Cao cao như vách đá kia, bãi cuội kia, hang động kia, tàu vàng kia, năm sau cũng chỉ còn một mẩu vách đá tí tẹo.

Từ Mường Lay trôi xuống, đoạn đầu, dân hai bên sông là nhưng người Mông ở vùng đất cao của hai huyền Sìn Hồ, Tủa Chùa. Là người Mông nên họ vẫn ở trên những ngọn núi cao vút cạnh sông. Những lọn váy Mèo vẫn lúc lắc theo theo bước chân cô gái xuống sông đi chợ theo những con đò dọc sông. Những bản làng cao vút này chắc không phải di dời.

Xuống qua Nậm mức, Nậm Mạ, qua những vách núi cao rồi, sông cũng rộng hơn với nhiều bãi cát, vạt ngô, là những hình ảnh quen thuộc của người Thái với phụ nữ có cái “ tằng cẩu “- búi tóc. Những bản làng của người Thái hầu hết bám sát dọc sông nên đang khẩn trương di dời. Có những bản chỉ cần dịch lên cao so với nơi ở cũ thì đã hoàn thành cả. Lấp lóa trên những sườn đồi cao là màu mái nhà mới. Nhưng cũng có những bản ở những cửa suối sát với vách đá không có chỗ nào chuyển đi nên đành di xa tới hàng trăm cây số vào những huyện sâu như Mường Nhé. Kẻ đi người ở tất bật trên chặng hành trình hàng trăm cây số về xuôi. Mai ngày, khúc sông ngàn đời của họ sẽ mãi mãi biến mất, Những bản làng, thị trấn đang được di dời, trông tan hoang đến nao lòng. Nhưng những thị xã, thị trấn mới thì khá khang trang, bõ công chuyển nhà, chuyển cửa, chuyển mồ mả cha ông, chuyển cả một cuộc đời… Dòng sông cứ thế đưa đẩy, kéo đoàn thuyền kayak của TBG về xuôi, qua Quỳnh Nhai, tới Pá Uôn. Vượt hành trình ngót trăm cây số bằng thuyền, chúng tôi lại lên bờ, sau một hành trình dài . Ở đây, lại một cây cầu sừng sững nữa đang gần hoàn thiện, cầu Pá Uôn. Như vậy là trong hành trình này, chào chúng tôi là một cây cầu cao thứ hai trên toàn Việt Nam, cầu hang Tôm mới, cao 70 mét, và tiễn chúng tôi lại một cây cầu nữa, cao nhất Việt Nam, là cầu Pá Uôn, cao hơn 100 mét. Cũng là một trải nghiệm đáng nhớ! Giã biệt Sông Đà, giã biệt những con ghềnh dữ, những hẻm núi cao, những cây cầu duyên dáng, những bãi cát êm đềm, những người lái đò, những bản làng dọc sông, những con tàu đào vàng ngáo ộp, những dòng thác mượt mà… Mai đây, có dịp đi lại đoạn này, sẽ là một con hồ mênh mang, xanh biếc. Sẽ vẫn còn vách núi cao ấy, sẽ gặp những người lái đò ấy, cảnh sắc sẽ êm đềm hơn, đẹp lung linh hơn, những cây cầu cao vút hôm nay, mai cũng chỉ cao la là mặt nước, cuộc sống mới lại bắt đầu!

Người dân tộc trên sông Đà.

Đoạn đầu dễ thấy người Mông, Dao.. sống ở vách núi cao vút

Nhà này có lẽ không phải di dời !

Cafe trên sông

Bản Nậm Mạ không còn dọc sông mà đã dời lên cao hơn, từ đây xuống cũng chủ yếu là người Thái

Hồi ký của tác giả Tabalo nhóm Taybacgroup: Chuyến đi 2010.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *